Nuôi cá chình bông bằng công nghệ nuôi tuần hoàn RAS

Hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS) với nhiều ưu điểm như năng suất, chất lượng cao, không xả thải gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên nước và năng lượng, tính an toàn sinh học cao, đã được nghiên cứu ứng dụng thành công trong nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế.

Hệ thống RAS trên thế giới rất đa dạng, tùy vào nơi ứng dụng (trong nhà, ngoài trời), loại thủy sản nuôi và tính chất nước nuôi (nước ngọt, nước lợ, nước mặn)…

Trong vài năm gần đây, nghề nuôi cá Chình đang được phát triển mạnh tại các địa phương như Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Phú Yên, Quảng Trị, Bạc Liêu, Sóc Trăng…. Một số hộ bà con cũng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tuần hoàn RAS vào nuôi loài cá có giá trị này.

Thực tế ứng dụng cho thấy, công nghệ RAS (chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống khoảng 300 triệu đồng) nuôi cá chình bông cho năng suất cao hơn nhiều so với nuôi truyền thống. Bên cạnh đó, RAS tái sử dụng nước tối đa, nhờ kết hợp hệ thống xử lý nước toàn diện, cho phép kiểm soát chất lượng nước và điều kiện môi trường ao nuôi, bể nuôi, hạn chế lây lan dịch bệnh, tiết kiệm sử dụng tài nguyên nước, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, ứng dụng RAS có thể nuôi quanh năm mà không phụ thuộc các biến động về chất lượng nguồn nước và nhiệt độ môi trường xung quanh; có thể nuôi trong nhà hoặc ngoài trời với diện tích nuôi nhỏ gọn,… Hệ thống cũng giải quyết được vấn đề nhân công (một trong những thách thức lớn của ngành nuôi trồng thủy sản hiện nay), bởi vận hành, điều khiển hoàn toàn tự động, chỉ cần một nhân công cho suốt vụ nuôi. Các chỉ tiêu bền vững (hiệu quả sử dụng tài nguyên, sử dụng hiệu quả dinh dưỡng từ nguồn thức ăn, chất xả thải môi trường, hiệu quả kinh tế) cũng được đánh giá tốt hơn so với quy trình nuôi truyền thống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *